THÔNG ĐIỆP TỪ ICANDO

Kính gửi quý vị phụ huynh và các bạn học sinh, sinh viên,

Giáo dục - Đào tạo là lĩnh vực đặc biệt.
Sản phẩm của Giáo dục - Đào tạo không phải chỉ để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Vượt trên đó là sự định hướng phát triển kinh tế, xã hội từ chính những học viên biết đổi mới, hướng thiện.
Một nền giáo dục tốt là nền giáo dục tạo nền tảng cho xã hội phát triển Chân - Thiện - Mỹ.
ICANDO là tổ hợp các doanh nghiệp, dự án giáo dục, đào tạo và tư vấn phát triển nguồn nhân lực tiên tiến, chủ động sáng tạo tương lai.
Chúng tôi mong muốn đồng hành cùng các bạn - thanh niên Việt Nam - để kiến tạo tương lai của chính mình và tương lai Việt Nam.

Hoàng Trọng Nghĩa - Giám đốc ICANDO

Chung tay giải quyết việc làm cho tân cử nhân


 

TCTN - Trước thực trạng nhiều SV tốt nghiệp không tìm được việc, với mong muốn đưa ra các giải pháp giúp các tân cử nhân đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng; Trung tâm đào tạo CNTT và truyền thông Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội thảo “Chung tay giải quyết vấn đề việc làm cho tân cử nhân”.

Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tuyên –  đại diện Trung tâm đào tạo CNTT và Truyền thông Hà Nội đã nêu ra con số thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: hiện nay cả nước có 174.000 cử nhân thất nghiệp (chiếm 16,8% tổng số người thất nghiệp) . Như vậy cứ 100 người thất nghiệp thì có gần 17 người có trình độ đại học. Tại hội thảo, các đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, tuyển dụng, nhà nghiên cứu đã nêu ra nguyên nhân của thực trạng trên và đề xuất nhiều giải pháp có tính gợi mở.


Các đại biểu chia sẻ giải pháp tại Hội thảo 

Chưa định hướng được công việc sẽ làm

Lê Thị Quế - sinh viên ngành Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: em vào trường bằng nguyện vọng 2, trước khi vào học và đến tận bây giờ em cũng chưa biết rõ về ngành mình học và định hướng công việc sẽ làm sau khi ra trường. Còn bạn Nguyễn Thị Kim Anh – sinh viên năm 2 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì tâm sự một thực trạng rất phổ biến trong sinh viên là nhiều bạn chỉ lên lớp như cưỡi ngựa xem hoa, chỉ đến sát kỳ thi mới vắt chân lên cổ để ôn bài thi hết môn. Như thế những gì tích lũy được sẽ không nhiều với cách học kiểu đối phó đó.

Bạn Hoàng Anh Minh – sinh viên Đại học Ngoại thương thì lại đặt vấn đề: tại sao khi sinh viên đi thực tập doanh nghiệp không giao việc để sinh viên làm quen, học hỏi kinh nghiệm thực tế. Nhiều anh chị khóa trước kể rằng khi đi thực tập chỉ làm những công việc lặt vặt, ít liên quan đến chuyên môn như rót nước, pha trà, sắp xếp tài liệu… như thế qua mỗi kỳ thực tập ai cũng sẽ hoàn thành báo cáo thực tập và được doanh nghiệp xác nhận nhưng kiến thức thực tế thì chẳng thu được bao nhiêu.

Ba ý kiến đại diện cho nhiều sinh viên có mặt đã nhận được sự đồng tình của đa số đại biểu tham dự hội thảo. Có lẽ đó là tình trạng chung của nhiều sinh viên hiện nay. Nhiều người chỉ thi vào đại học theo phong trào mà chưa có những định hướng đúng đắn ngay từ đầu. Trong quá trình học chưa chủ động tích lũy kiến thức; từ đó dẫn đến tình trạng không đáp ứng đúng nhu cầu thị trường lao động cần dẫn đến tình trạng thất nghiệp hoặc làm những công việc không đúng với ngành nghề được đào tạo.

Nhiều giải pháp gợi mở

Phát biểu tại hội thảo, GS. Giuseppe Tidona – Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Italia tại Việt Nam gợi ý : để nâng cao khả năng thích ứng với nhu cầu doanh nghiệp, xã hội, trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, sinh viên cần được tham gia các khóa đào tạo, trao đổi để sinh viên được giáo lưu, cọ sát với những nền giáo dục tiên tiến. Hiện nay các trường đại học, cao đẳng tại Italia có rất nhiều chương trình học bổng, trao đổi, chúng tôi sẵn sàng làm cầu nối để nhiều sinh viên Việt Nam được tham gia các chương trình đó.

Bên cạnh đó PGS.TS. Đặng Tùng Hoa – Trưởng Bộ môn Phát triển kỹ năng (ĐH Thủy Lợi) cho biết để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các đơn vị tuyển dụng, sinh viên không chỉ nắm bắt được những kiến thức chuyên ngành mà còn phải được trang bị những kỹ năng cần thiết. Đôi khi vấn đề có được việc làm hay không lại phụ thuộc vào những kỹ năng mà ứng viên đó được trang bị. Một ví dụ đơn giản là khi đi xin việc ứng viên phải biết kỹ năng viết CV, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục…Bà Hoa còn cho biết hiện nay ở trường Thủy Lợi đang xây dựng modul Nâng cao kỹ năng giao tiếp thuyết trình nhằm trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết trước khi ra trường nhằm nâng cao khả năng có việc làm cho tân cử nhân.

Cần một mối quan hệ sâu rộng hơn giữa nhà trường và đơn vị tuyển dụng, ông Mai Quốc Bảo – giảng viên khoa Quản trị nhân lực (ĐH Kinh tế quốc dân) thì mong muốn mối giữa nhà trường và doanh nghiệp cần khăng khít hơn nữa; trong quá trình đào tạo, các trường nên mời những lãnh đạo doanh nghiệp, những chuyên gia trong lĩnh vực đến trao đổi với sinh viên để sinh viên biết được nhu cầu của doanh nghiệp, những yêu cầu cần có của doanh nghiệp để sinh viên trau dồi để đáp ứng những nhu cầu đó.

Tham gia chia sẻ tại hội thảo, ông Mai Thanh Tuấn – Học viện công nghệ Veda đưa ra giải pháp: trả học phí bằng tháng lương đầu tiên. Tham gia các khóa học, học viên không phải trả học phí trong suốt quá trình học. Thay vào đó, khi đi làm đơn vị sử dụng lao động sẽ trả học phí cho đơn vị đào tạo bằng tháng lương đầu tiên của người lao động. Ông Tuấn nhấn mạnh: chúng tôi chấp nhận những rủi ro vì khi đào tạo chưa thu được học phí từ người học, đào tạo xong lại phải lo công việc cho người học và chờ đến khi đơn vị sử dụng lao động trả tháng lương đầu tiên thì đơn vị đào tạo mới thu được tiền. Như vậy người học được tạo điều kiện tối đa, vừa được cơ hội học tập lại vừa được tìm việc sau khi hoàn thành khóa học.

Ông Lê Văn Đồng đại diện Công ty DCV nêu vấn đề ngày nay việc gắn kết đào tạo theo nhu cầu phát triển của doanh nghiệp cũng đang là một vấn đề mà nhiều trường đại học còn lúng túng. Các cử nhân phải được đào tạo đúng những gì mà doanh nghiệp đang cần, như vậy các trường đại học phải gắn kết đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Có như vậy thì những cử nhân khi ra trường mới có được những kiến thức lẫn kỹ năng đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp và các doanh nghiệp mới có được nguồn nhân lực theo đúng những gì mà họ cần. Hiện nay nhu cầu tuyển dụng của DVC rất lớn nhưng chưa đến 30% số ứng viên đáp ứng được nhu cầu của đơn vị, trong số đó đa số phải đào tạo lại mới đáp ứng được nhu cầu công việc.

Giải pháp mà ông Hoàng Trọng Nghĩa – Giám đốc tổ chức giáo dục Icando đề xuất đã được các đại biểu chú ý hơn cả. Từ việc việc nhìn nhận thực tế thất nghiệp của tân cử nhân: “một phần vấn đề là do sinh viên không xác định học xong ra làm gì. Nên nhiều kiến thức ở nhà trường được học nhưng các em chỉ coi như để trả bài, thi lấy bằng. Các em không xác định được mức độ quan trọng của từng nội dung học với nghề nghiệp tương lai của mình. Do đó, sự cố gắng của các thầy cô giáo, của các nhà quản lý giáo dục là không đủ. Cần sự chủ động cảu các em hoặc nhà trường cần khuyến khích các em chủ động tiếp cận với thực tế doanh nghiệp”.

Từ thực tế trên, ông Nghĩa đã nêu ra mô hình Học kỳ doanh nghiệp. Với mô hình này doanh nghiệp và nhà trường cùng tham gia vào quá trình đào tạo. Học kỳ doanh nghiệp sẽ ké dài 6 tháng vào học kỳ cuối của sinh viên đến doanh nghiệp học kỹ năng nghề nghiệp và thực hành công việc. Khi đi thực tập, sinh viên gần như trở thành nhân viên của công ty, đến khi ra trường sinh viên có thể thích ứng ngay được với môi trường làm việc.Ông Nghĩa cũng cho biết thêm nhiều sinh viên tham gia chương trình này và đã có việc sau khi tốt nghiệp nhưng hiện nay chưa có nhiều trường thực hiện được do vướng mắc về cơ chế, chính sách, nội dung, chương trình học… Tuy nhiên có một số đại biểu tổ ra băn khoăn về Học kỳ doanh nghiệp vì liên quan đến cơ chế, chính sách, khung chương trình học của sinh viên… do đó cần có lộ trình để các trường vận dụng phù hợp.

Qua việc tìm ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, các đại biểu tham dự hội thảo đều nhất trí rằng việc giải quyết tình trạng thất nghiệp của tân cử nhân do nhiều nguyên nhân từ việc định hướng nghề nghiệp, quá trình học tập kiến thức, kỹ năng cho tới việc tìm hiểu nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Những năm gần đây, vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội đã được đặt ra nhằm tăng cường việc người được đào tạo sẽ có việc làm phù hợp với yêu cầu của công việc và nhu cầu của thị trường lao động. Đề xuất những giải pháp nêu trên, các đại biểu mong muốn bản thân các bạn học sinh, sinh viên cần được định hướng ngay từ đầu, các đơn vị đào tạo và tuyển dụng cần tăng cường chia sẻ, nắm bắt nhu cầu của nhau để hận chế tối đa tình trạng thất nghiệp của tân cử nhân.
Tô An